jos nguyen

Học giao tiếp để cuộc sống tốt đẹp hơn


Giao tiếp là điều không thể thiếu trong các hoạt động hằng ngày của con người như trong công việc, học tập, trong tiếp xúc với người thân, bạn bè. Cuộc sống biến đổi không ngừng, vì thế không có cuộc trò chuyện, cuộc giao tiếp nào là giống nhau, và theo một khuôn mẫu có sẵn. Sự khác biệt, đa dạng, phức tạp trong các tình huống giao tiếp sẽ làm cho người ta trưởng thành hơn nếu biết cách ứng xử thích hợp và ngược lại, đôi lúc sẽ đẩy người ta đến chỗ bối rối, khó xử.

Để thành công trong giao tiếp, nghĩa là xác lập và duy trì được mối quan hệ với người khác theo mục đích của mình đề ra, cần phải có những kiến thức nhất định. Để góp phần giúp thực hiện được điều này, chiều thứ Bảy 24/03/2012, Chương Trình Chuyên Đề của Ban Mục Vụ Gia Đình TGP. Sài Gòn đã tổ chức buổi trò chuyện với chủ đề “GIAO TIẾP ĐỂ THÀNH CÔNG” do Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long, giảng viên Trường Cao Đẳng Sư Phạm Trung Ương TP.HCM hướng dẫn.
Những gì chúng ta có được trong đời sống mỗi người là do sự nỗ lực bản thân, đồng thời cần có sự giúp sức của những người xung quanh và cả các đấng vô hình.Những giá trị đơn giản nhất của mỗi người chính là hình ảnh của mình trong mắt người khác, là lời nói, hành vi, cách đối xử với người khác. Mỗi người cần phải yêu cuộc sống của mình để có thể nhận biết được những cảm xúc tích cực hoặc không tích cực nhằm kiểm soát cảm xúc và tránh những điều bất hòa xảy ra trong đời sống.
Sự thành công của con người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, điều quan trọng cho sự thành công đó đến từ gia đình của mỗi người. Muốn giao tiếp tốt trong xã hội, trước tiên phải giao tiếp tốt với các thành viên trong gia đình mình, nhằm tạo sự tự tin cho bản thân. Người ta không thể cho đi những thứ mình không có (x. Cv 3,6), và những giá trị căn bản nhất thường được nuôi dưỡng trong chính gia đình mình, vì vậy, hãy nở nụ cười khi nhớ về gia đình mình. Thành công của mỗi người còn được đo lường bằng vị trí của mình trong lòng người khác, của xã hội bên ngoài, vì thế muốn có sự thành công, nhất thiết cần có sự giao tiếp. Thành công cũng có nghĩa là tạo ra điều gì đó đọng lại trong lòng người, điều này đòi hỏi phải có nền tảng kiến thức: kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực mà mình dấn thân, làm việc, kiến thức về một lĩnh vực mà mình yêu thích, kiến thức về xã hội và cần nhất là phải biết tự răn mình về mặt đạo đức.
Mẫu số chung của giao tiếp là truyền và nhận thông điệp nhưng cần phải học cách phát huy thế mạnh bản thân để thể hiện hình ảnh của mình trong cách giao tiếp. Người giao tiếp giỏi trước tiên phải học cách giao tiếp với chính mình, biết được ưu nhược điểm của bản thân, từ đó mới có thể học cách hiểu người khác. Kế đến là học cách tương tác với những người xung quanh, sự tương tác này là tương tác hai chiều, cho và nhận: học từ người khác, đồng thời cũng phải bộc lộ chính mình. Do đó, đừng sợ nói sai trong giao tiếp, cần mạnh dạn nói với những người thân thiết để rèn luyện cách truyền đạt nhưng nếu không vững tin thì không nên thử khi tiếp xúc với người lạ.
Hoạt động giao tiếp với người khác nhằm mục đích xác lập và vận hành mối quan hệ xã hội. Cần phải giao tiếp để nói ra những suy nghĩ của mình làm cho tâm hồn có được những cảm xúc tích cực hơn, nếu không nói ra sẽ làm cho tâm hồn chất chứa nhiều cảm xúc tiêu cực. Theo thầy Long, để giao tiếp thành công đòi hỏi phải có hai giai đoạn xác lập và vận hành, trong đó giai đoạn vận hành là quan trọng.
Trong giai đoạn xác lập, cần xác định đối tượng phù hợp với mục đích sống của mình, ví dụ: người sôi nổi thích tìm bạn có khí chất điềm tĩnh. Đối tượng cũng cần phải phù hợp với nhu cầu của mình, ví dụ: làm nghề giáo có những người bạn là giáo viên, người buôn bán có những bạn bè là bạn hàng… vì có những người bạn cùng chuyên môn sẽ dễ dàng trao đổi qua lại với nhau. Yếu tố cuối cùng trong việc xác lập là tình cảm, nghĩa là căn cứ vào những rung động xúc cảm của mình để xác lập mối quan hệ giao tiếp.
Trong 3 yếu tố để xác lập mối quan hệ (mục đích, nhu cầu, tình cảm), nếu giao tiếp để tạo ra mối quan hệ tình cảm thân thuộc thì tình cảm quan trọng nhất, nếu tạo dựng quan hệ để xây dựng nền tảng cho công việc thì mục đích và nhu cầu quan trọng hơn. Tuy nhiên, nếu cân bằng giữa mục đích – nhu cầu và tình cảm thì sẽ xác lập quá trình giao tiếp tốt hơn. Ba yếu tố trên vẫn chưa đủ cho một cuộc giao tiếp thành công mà cần phải có thêm yếu tố trách nhiệm và quyền lợi trong giai đoạn vận hành. Để giao tiếp tốt với đối tượng, đòi hỏi phải có trách nhiệm với nhau trong cuộc trò chuyện và duy trì quyền lợi cho đối tượng cần giao tiếp, cần phải lắng nghe, chia sẻ, phản hồi thông tin để thông hiểu lẫn nhau và chia sẻ quyền lợi cho nhau.
Xã hội ngày nay có nhiều cơ hội mở ra cho tất cả mọi người, có những hướng phát triển tốt hơn: thời đại công nghệ thông tin, con người được chú trọng về mặt hình thể hơn, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, cơ hội học hỏi tốt hơn… Đồng thời thế giới ngày nay cũng đầy thách thức: phải chọn lựa giá trị sống, cạnh tranh với nhau về mặt giao tiếp, công việc, vị trí,  bạo lực xuất hiện do du nhập những trò chơi, sản phẩm văn hóa không tốt... Ngày nay người ta dễ dàng dẫn đến trầm cảm hơn vì quá nhiều công việc và quá nhiều mối quan hệ, đôi lúc lòng người lại đổi trắng thay đen, nên giao tiếp càng mang tầm mức quan trọng hơn.
Nếu vì thách thức mà chối bỏ cuộc sống, chối bỏ những người xung quanh thì chính bản thân sẽ khó trưởng thành và thăng tiến. Để vượt qua thử thách, mỗi người cần trang bị cho mình một số cách thức giao tiếp để tiết kiệm được công sức, thời gian, tiền bạc, và thậm chí là tiết kiệm được dòng suy nghĩ của mình.
Để giao tiếp tốt cần phải biết cách vận dụng cả mặt bên ngoài và bên trong của hoạt động giao tiếp. Mặt bên ngoài là những điều có thể thấy được như ngôn ngữ lời nói, hành vi. Mặt bên trong chính là những giá trị nội tâm, là sự hiểu biết, thấu cảm, thông cảm, chia sẻ.
Vẻ bên ngoài của giao tiếp gồm: Hình thể, có thể đầy đủ hay không đầy đủ về nghĩa đen. Tác phong con người gắn liền với giới tính, nghề nghiệp… Thái độ của con người trước một tình huống giao tiếp. Mỗi con người là tổng hòa của hình thể, tác phong, thái độ nhưng điều cần thiết nhất trong giao tiếp là thái độ thể hiện qua việc dạ, thưa, nụ cười, ánh mắt, nói thật lòng, chân thành nhưng phải khéo léo.
Để thể hiện vẻ bên trong của hoạt động giao tiếp cần phải: Luôn luôn nghĩ đến điều tốt đẹp, tích cực, khi nghĩ đến cái đẹp sẽ nói những từ ngữ tốt đẹp, không xúc phạm đến người khác, không chê bai, xỉ vả người khác. Có kiến thức để không nói chuyện hời hợt, muốn nói chuyện với ai phải chuẩn bị vấn đề, trước khi giao tiếp phải chuẩn bị trả lời các câu hỏi: Gặp người đó để làm gì? Lý do tại sao gặp mặt? Mình là ai, người đối diện là ai? Từ đó suy ra thực hiện bằng cách nào? Khi nào thì tác động bằng ngôn ngữ, bằng nội dung nói: Nói cái gì? Nói những chuyện gì? Hỏi những câu hỏi gì? Dự định trả lời câu hỏi như thế nào? Lúc nào tác động bằng tình cảm, liên quan đến thái độ, cần tạo thái độ tích cực, khi gặp người lạ không nói về mình quá nhiều, trong câu chuyện nên nói về người đối diện. Có tình cảm tốt đẹp, trái tim chứa đựng yêu thương, luôn luôn trân trọng người đối diện, tạo tình cảm, không tưởng tượng con người xấu và tình huống xấu, nếu nghĩ như thế mình sẽ bị ám ảnh về mặt tâm lý, cần tạo tâm lý thoải mái để có sự tự nhiên trong giao tiếp.
Trong giao tiếp, chỉ giao tiếp thẳng, nhìn thẳng sự thật, nói thẳng vấn đề, khi biết mình ở vị thế cao hơn, chắc chắn phần thắng nhiều hơn hoặc biết đối phương sẽ nhân nhượng, sẽ ngộ ra vấn đề. Nhưng đôi lúc, nói thẳng vấn đề sẽ làm người đối diện không hài lòng, có khi phản tác dụng truyền đạt thông tin. Do đó, nên khéo léo trong lời nói để thể hiện sự tinh tế trong giao tiếp, đồng thời làm cho người đối diện cảm nhận được thông điệp đằng sau lời nói.
Mỗi người chúng ta đều có một giá trị trước mặt người khác, mình có giá trị thì đối tượng giao tiếp cũng có giá trị, vì vậy không nên đụng chạm vào giá trị của người khác. Trong giao tiếp người ta gọi là giá trị giao tiếp tối thiểu, ví dụ: trong lớp giáo viên là số một, trong giao dịch mua bán, khách hàng là số một, trong quan hệ công việc sếp có giá trị vượt trội so với đồng nghiệp của mình. Giá trị của mỗi người được xác định dựa vào hoàn cảnh giao tiếp, ở mỗi hoàn cảnh khác nhau ta có giá trị khác nhau, chẳng hạn ở công ty mình là người có quyền hành, mình có giá trị của một người lãnh đạo, bắt mọi người phải thực hiện theo mệnh lệnh, nhưng về nhà mình cũng chỉ là người bình thường trong quan hệ vợ chồng, nếu áp đặt vị thế như trong công ty để giao tiếp sẽ không thích hợp.
Có nhiều cách để lựa chọn trong giao tiếp, tùy hoàn cảnh mà có lựa chọn khác nhau: nói thẳng, nói vòng, nói khéo. Để lựa chọn cách giao tiếp cần đánh giá đúng tâm lý đối phương, của đối tượng giao tiếp. Cần tìm hiểu xem người sẽ giao tiếp thuộc loại người nào, nếu người thích sự dịu ngọt thì nói lời ngọt ngào, nếu là người mạnh mẽ, dứt khoát thì phải thẳng thắng, mạch lạc, rõ ràng. Với kiểu người thích người khác dạ vâng thì phải biết lắng nghe.
Theo thầy Long, giao tiếp gắn với các vị trí khác nhau, có 3 kiểu giao tiếp: Giao tiếp với kiểu phụ mẫu để khuyên bảo; Giao tiếp với kiểu người lớn: thực tế, thấy gì nói đó; Giao tiếp với kiểu trẻ con: gây hấn, nổi loạn, động viên, tạo hạnh phúc. Đây là 3 phong cách giao tiếp cần tập để giao tiếp tốt hơn, tùy vào từng tình huống khác nhau mà mình chọn cách giao tiếp.
Để tóm kết những kiến thức giao tiếp cần có, thầy Long đã đưa ra một lời khuyên cần ghi nhớ: Tạo không khí nhẹ nhàng và thân thiện khi giao tiếp với người khác bằng cách giữ một cái nhìn thiện cảm hoặc là giữ tinh thần thật trẻ trung bằng hình ảnh của một nụ cười chân chất, một tâm hồn thanh thản với ý muốn được thưởng ngoạn, không căng thẳng. Khi nghĩ đến yêu cầu người khác phải luôn có thiện chí để chia sẻ và san sẻ, luôn biết giúp đỡ và nâng đỡ người khác, luôn hòa đồng và đừng phân biệt. Nói ít để thấy được nhiều hơn, luôn biết động viên người khác, biết an ủi khi vượt qua thất bại và tôn trọng sự tự do cá nhân, hiểu để tránh làm điều không nên, không đe dọa và tạo áp lực cho đối phương, sẵn lòng giúp đỡ người khác. Hãy tìm và hy vọng vào những điều tốt đẹp. Khi đối diện với thử thách cần phải tự tin vào chính mình, rằng mình sẽ làm được nhưng không háo thắng. Đừng bối rối khi rơi vào tình huống bất ngờ, bình tĩnh dù trong tình huống xấu nhất phải đối diện với kẻ thù, tuy nhiên không quá liều lĩnh và phối hợp nhịp nhàng với bạn bè, đồng nghiệp, những người bên cạnh mình hoặc đồng hành với nhau dù có khó khăn. Hợp tác để cùng nhau có lợi hơn, đôi khi phải chấp nhận sự khác biệt nhưng đừng khác người quá nhiều. Đừng ăn mặc quá lịch sự, đừng mù quáng vì tiền. Trong đời thường, để thanh thản hơn, có lúc cần phải thực hiện: có một chút vui đùa dễ thương, biết internet để đọc báo, đôi khi đến với âm nhạc, chọn một môn thể thao để chơi, đi đâu đó để giải tỏa stress, tự thưởng cho mình, có thể tìm đến những người bạn, đi với người mình yêu thích nhất. Cuối cùng, hãy luôn luôn tỏ rõ thiện tâm của mình để có một cuộc sống tốt hơn.
Để làm được những điều này cần nhớ quy tắc cuộc sống 5S: Sàng lọc các mối quan hệ trong giao tiếp của mình để biết đâu là cái cần thiết, cái nào là cái góp thêm cho đủ để tìm kiếm những tình bạn quan trọng nhất; Sắp xếp các mối quan hệ theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3 sẽ làm cho mình tốt hơn. Sạch sẽ trong trí não, đừng bao giờ để vướng bận, bằng cách tìm đến với Kinh Thánh, tìm đến với Thánh Lễ, tìm đến với lời giảng của các cha, các thầy, các sơ để có được sự thanh sạch trong tâm hồn; Săn sóc: luôn gọi điện hỏi thăm, chia sẻ với những người thân của mình, quan tâm đến các mối quan hệ mình đang có; Sẵn sàng đối diện với mọi thứ xảy ra trong cuộc đời. Có 5S thì kỹ năng giao tiếp tốt hơn, bên cạnh đó cần có thêm 4T: Tôn trọng người khác; Cố gắng thông hiểu người khác; Tư thế sẵn sàng đối diện; Cho mình một tình yêu thương bền vững. Có 4S và 5T sẽ có mối quan hệ tốt đẹp, từ đó dễ dàng thành công hơn trong giao tiếp.
nguồnTTMV Tổng GP Sài gòn

jos nguyen

About jos nguyen

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :