Unknown

LINH MỤC SỐNG TINH THẦN PHỤNG TỰ NHỜ NƠI THÁNH VÀ THỜI GIAN THÁNH

Tĩnh tâm tháng là một trong những sinh hoạt thường niên của các linh mục trong giáo phận Xuân lộc. Trong tháng 11/2012, với tâm tình của vị chủ chăn Giáo phận Xuân lộc, Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, đã gửi đến các Linh mục trong giáo phận những lời huấn dụ rất hiện sinh, mời gọi các Linh mục hãy cố gắng nên thánh trong những thời gian thánh và nơi thánh. Xin được trích nguyên văn bản huấn dụ.

Anh em linh mục thân mến,

Trong cuộc nói chuyện với Hàng Giáo sĩ Tổng Giáo phận Los Angeles, ngày 03-10-2011, Đức Hồng y Mauro Piacenza, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo sĩ đã nhận định: “Sự thế tục hóa, thuyết ngộ đạo, chủ nghĩa vô thần trong mọi hình thức của nó, luôn làm giảm thiểu không gian của sự thánh thiêng”.
Đức Hồng y không nói tới thời gian thánh thiêng bị giảm thiểu, nhưng ngài khẳng định: “Đối mặt với một thế giới thiếu cầu nguyện và thờ phượng Chúa, trước hết linh mục là một con người cầu nguyện, thờ phượng Chúa, phụng tự, và cử hành các mầu nhiệm thánh. Đối mặt với một thế giới tràn ngập bởi các sứ điệp tiêu thụ chủ nghĩa, khêu gợi tình dục, bị bao vây bởi sai lầm, được trình bày trong các mặt hấp dẫn nhất, linh mục phải nói về Thiên Chúa và các thực tại đời đời, và để làm như vậy một cách đáng tin cậy, linh mục phải là một tín hữu đam mê và nhiệt tâm, giống như linh mục cần phải ‘thanh sạch’ vậy”.

Tôi tự hỏi: làm sao linh mục chúng ta có thể trở nên “con người cầu nguyện, thờ phượng Chúa, phụng tự, và cử hành các mầu nhiệm thánh”, một người biết “nói về Thiên Chúa và các thực tại đời đời”, và “là một tín hữu đam mê và nhiệt tâm”, nếu không biết sử dụng các nơi thánh và tận dụng thời gian thánh để tiếp xúc với Thiên Chúa? Trong nhận thức đó, nhân dịp tĩnh tâm tháng 11 này, tôi muốn cùng anh em suy nghĩ về không gian thánh và thời gian thánh, để nhờ đó, sống tinh thần phụng tự, theo chương trình mục vụ năm nay của Giáo phận.

1. Sống tinh thần phụng tự nhờ nơi thánh

Theo Giáo luật, nơi thánh bao gồm nhà thờ (đ. 1214), nhà nguyện (đ. 1223), nhà nguyện tư (đ. 1226), đền thánh
(đ. 1230), bàn thờ (đ. 1235) và nghĩa trang (đ. 1240, §1). Các nơi này được gọi là thánh, vì “đã được cung hiến hay được làm phép theo quy định của các sách phụng vụ, để dùng vào việc thờ phượng Thiên Chúa hay để mai táng các tín hữu” (đ. 1205). Vì liên hệ đến việc thờ phượng Thiên Chúa, các nơi thánh luôn có sức giúp chúng ta sống tinh thần phụng tự. Chỉ cần chúng ta ý thức để thực thi trách nhiệm và quyền lợi của mình cũng như của các tín hữu đối với các nơi thánh.

a) Trách nhiệm đối với nơi thánh

Luật xác định trách nhiệm chung đối với các nơi thánh, khi viết: “Trong một nơi thánh chỉ được phép làm những việc giúp thi hành hay thăng tiến việc thờ phượng, lòng đạo đức và tôn giáo, và cấm làm bất cứ điều gì không xứng hợp với sự thánh thiện của nơi thánh” (đ. 1210). Nói riêng, thì có những trách nhiệm sau đây đối với từng nơi thánh.

- Đối với Nhà thờ: Chúng ta biết rằng nhà thờ “là một toà nhà thánh dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa” (đ. 1214), và trách nhiệm “chăm lo gìn giữ các nhà thờ được sạch sẽ và mỹ quan, xứng đáng là nhà Thiên Chúa, và loại bỏ những gì không thích hợp với sự thánh thiện của nhà thờ thuộc về tất cả những người có trách nhiệm coi sóc nhà thờ” (đ. 1220, §1). Ai là người có trách nhiệm trước hết trong việc coi sóc nhà thờ, nếu không phải là các cha sở, chiếm đa số trong linh mục đoàn chúng ta? Trách nhiệm coi sóc nhà thờ mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Giêrusalem năm xưa (x. Ga 2, 13-16; Mt 21, 12-13; Mc 11, 15-17; Lc 19, 45-46), để rút ra bài học ứng xử thích hợp, như một sự trân trọng của chúng ta dành cho nơi thánh thường thấy là nhà thờ. Và cũng để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự gắn bó của cha sở với nhà thờ mà luật buộc cha sở “phải ở trong nhà xứ gần nhà thờ... để chu toàn những nhiệm vụ thuộc giáo xứ một cách thuận lợi và đều đặn” (đ. 533, §1). Cả đối với cha phó, không ở gần nhà thờ, thì cũng “buộc phải ở trong giáo xứ, hoặc nếu ngài được đặt làm cha phó cho nhiều giáo xứ một trật, thì ngài phải ở tại một trong các giáo xứ ấy... miễn là việc chu toàn trách nhiệm mục vụ không gây ra một thiệt hại nào” (đ. 550, §1).

- Đối với Bàn thờ, “tức là chiếc bàn mà hiến tế Thánh Thể được cử hành trên đó” (đ. 1235, § 1), chúng ta nhớ rằng “cả bàn thờ cố định lẫn bàn thờ di động chỉ được dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, tuyệt đối không được sử dụng vào bất cứ việc phàm tục nào” (đ. 1239, § 1).

- Đối với Nghĩa trang, chúng ta phải “duy trì và bảo vệ tính cách thiêng liêng của những nơi ấy” (đ. 1243).

- Đối với nhà mục vụ, nhà giáo lý, chúng ta, cụ thể các cha sở “phải quan tâm đến việc quản trị (vì chúng là) tài sản của giáo xứ” (đ. 532).

- Đối với Nhà nguyện, “được hiểu là một nơi được Đấng Bản Quyền ban phép dành vào việc thờ phượng Thiên Chúa, vì lợi ích của một cộng đoàn hay của một nhóm tín hữu quy tụ tại đó” (đ. 1223). Nếu chúng ta có trách nhiệm, chúng ta ý thức: “Các nhà nguyện... phải được dành riêng vào việc thờ phượng Thiên Chúa mà thôi, và không được sử dụng vào bất cứ việc gì có tính nội trợ, gia đình” (đ. 1229).

- Đối với Đền thánh, “được hiểu là một nhà thờ hay một nơi thánh nào khác, mà nhiều tín hữu đi hành hương tới đó vì lòng đạo đức đặc biệt, với sự chấp thuận của Đấng Bản Quyền địa phương” (đ. 1230), miễn là chúng ta có phần việc được giao, chúng ta “phải cung cấp các phương tiện cứu độ cho các tín hữu một cách dồi dào, bằng cách nhiệt thành rao giảng Lời Chúa, cổ vũ cách thích hợp đời sống phụng vụ, đặc biệt là qua việc cử hành bí tích Thánh Thể và bí tích Sám Hối, cũng như bằng cách duy trì việc thực hành lòng sùng đạo bình dân đã được chuẩn nhận” (đ. 1234, § 1).

Đến đây, chúng ta có thể khẳng định: các linh mục, nhất là các cha sở, có trách nhiệm về các nơi thánh thuộc Giáo Hội, vốn hiện hữu để dùng vào “việc thờ phượng Thiên Chúa”. Ý thức trách nhiệm về nơi thánh không thúc đẩy chúng ta sống tinh thần phụng tự sao?

b) Quyền lợi đối với nơi thánh


Trách nhiệm của các linh mục, nhất là của các cha sở, về các nơi thánh thuộc Giáo Hội, cụ thể về nhà thờ, đi song song với quyền lợi của các tín hữu lui tới nhà thờ, như luật xác định: “Nhà thờ là nơi các tín hữu có quyền vào để thi hành việc thờ phượng Thiên Chúa, nhất là việc thờ phượng công” (đ. 1214); thực tế là tín hữu “được tự do và được miễn phí vào nhà thờ trong lúc cử hành các nghi lễ thánh” (đ. 1221). Điều luật này không những giúp chúng ta thoát khỏi những trục lợi vật chất bất hợp pháp đối với sự lui tới nhà thờ của tín hữu, mà còn thúc đẩy chúng ta ý thức trách nhiệm của mình đối với họ, để trân trọng sự hiện diện của họ tại nhà thờ, và để dành cho họ sự đối xử công bằng, không thiên vị, đặc biệt cung ứng cho họ những cử hành phụng vụ thật sốt sắng, ý nghĩa nhờ có chuẩn bị kỹ càng.

Nói như trên, không có nghĩa là linh mục không có quyền lợi đối với nơi thánh. Thật vậy, luật ghi rõ: “Nhà chức trách Giáo Hội được tự do thi hành các quyền và các nhiệm vụ của mình trong các nơi thánh” (đ. 1213). Ở đây, tôi muốn anh em chúng ta nhớ rằng quyền lợi của chúng ta đối với nhà thờ phải khơi lên nơi chúng ta niềm xác tín này: nhà thờ là nơi chúng ta thi hành thừa tác vụ ngôn sứ một cách chính thức. Chúa Giêsu đã xác định với Philatô: “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do Thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút” (Ga 18, 20). Như thế, nhà thờ phải là nơi để chúng ta thi hành thừa tác vụ ngôn sứ (giảng dạy) cách chính thức (“Tôi ... hằng giảng dạy ... tại Đền Thờ”) và tự tín (“Tôi không hề nói điều gì lén lút”). Vì nhà thờ gợi lên thừa tác vụ ngôn sứ, nên chúng ta đừng tuỳ tiện bỏ giảng lễ, đừng ngại giảng, đừng bê trễ việc giảng, đừng cẩu thả trong việc giảng... Làm tốt thừa tác vụ ngôn sứ tại nhà thờ chính là sống tinh thần phụng tự nhờ nơi thánh.

Hơn nữa, chúng ta không chỉ có quyền đối với nơi thánh, mà còn có thể làm ra nơi thánh. Tôi muốn nói tới cung lòng của mỗi chúng ta. Nếu các nơi thánh được gọi là thánh, vì “đã được cung hiến hay được làm phép (...), để dùng vào việc thờ phượng Thiên Chúa”, thì cung lòng chúng ta là thánh, vì là đền thờ Thiên Chúa, đền thờ Chúa Thánh Thần: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cr 3, 16). - “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền thờ của Thánh Thần sao?”(1 Cr 6, 19a).- “Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền thờ ấy chính là anh em” (1 Cr 3, 17). Chúng ta làm cho cung lòng của mình thành nơi thánh, khi chúng ta cộng tác với ơn Chúa để giữ cho lòng mình không chất chứa tội lỗi, đam mê thấp hèn, khuynh hướng xấu xa. Việc này cần được thúc đẩy bởi tinh thần phụng tự.

2. Sống tinh thần phụng tự nhờ thời gian thánh

Thời gian gợi lên sự chuyển động và thay đổi. Thời gian thường được đo lường bằng các đơn vị như năm, tháng, tuần, ngày, giờ, mùa... Những đơn vị thời gian này cũng được Giáo Hội sử dụng để ấn định các ngày lễ và các ngày sám hối trong Giáo Hội, hầu tạo ra những chuyển động và thay đổi tình hình sống đạo theo hướng đi lên. Trong ý này, các ngày lễ và các ngày sám hối được coi là thời gian thánh.

Chúng ta biết rằng chỉ quyền bính tối cao của Giáo Hội mới có thể thiết lập, chuyển dời hay huỷ bỏ những ngày lễ cũng như các ngày sám hối chung cho Giáo Hội toàn cầu (x. đ. 1244, § 1); và cũng chỉ Giám mục Giáo phận mới có quyền ấn định các ngày lễ hoặc các ngày sám hối riêng cho Giáo phận của mình (x. đ. 1244, § 2). Về các linh mục, thì ít ra phải là cha sở, và cũng chỉ trong từng trường hợp, mới “có thể miễn chuẩn nghĩa vụ phải giữ một ngày lễ hay một ngày sám hối hoặc thay thế nghĩa vụ ấy bằng một việc đạo đức khác” (đ. 1245). Dĩ nhiên, đây là miễn chuẩn cho người thuộc quyền, chứ không phải cha sở được miễn chuẩn cho cá nhân mình. Như thế, xét như một tín hữu, linh mục cần trân trọng các ngày lễ và các ngày sám hối của Giáo Hội và của Giáo phận. Nói đúng ra, các ngày lễ và các ngày sám hối là những cơ hội để chúng ta sống tinh thần phụng tự.

Ngày lễ, nếu tính theo ngày trong tuần hay ngày để cử hành lễ, thì có ngày Chúa nhật (x. đ. 1246, § 1); còn tính theo đối tượng được mừng kính hay lễ được cử hành vào một ngày, thì có lễ sinh nhật Chúa Giêsu Kitô, lễ Hiển Linh, lễ Thăng Thiên, lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu, lễ Đức Mẹ Thiên Chúa, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, lễ Thánh Giuse, lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô, và lễ Các Thánh (x. đ. 1246, § 1). Đang khi đó, ngày và mùa sám hối trong Giáo Hội toàn cầu là các ngày thứ sáu trong năm và mùa Chay (x. đ. 1250).

Đối với ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc khác, các tín hữu có bổn phận “tham dự thánh lễ” (đ. 1247). Còn đối với ngày và mùa sám hối, thì có việc sám hối tổng quát và việc sám hối đặc thù. Việc sám hối tổng quát là “phải cầu nguyện cách đặc biệt, phải thực hành việc đạo đức và bác ái, phải từ bỏ chính mình bằng cách chu toàn các nghĩa vụ của mình cách trung thành hơn” (đ. 1249). Còn việc sám hối đặc thù thì áp dụng cho các ngày thứ Sáu trong năm, nhất là ngày thứ Tư Lễ Tro và ngày thứ Sáu kính nhớ cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Đức Giêsu Kitô: “Vào các ngày thứ sáu trong năm, nếu không trùng với một trong những ngày lễ trọng, thì phải kiêng thịt hoặc phải kiêng một thức ăn nào khác, theo quy định của Hội đồng Giám mục; nhưng phải kiêng thịt và ăn chay trong ngày thứ Tư Lễ Tro và ngày thứ Sáu kính cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (đ. 1251).

Lý do của việc dự lễ ngày Chúa nhật và ngày lễ buộc chính là bổn phận thờ phượng Thiên Chúa, đến độ, trong ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc, “phải kiêng làm việc xác và những công việc gây trở ngại cho việc thờ phượng Thiên Chúa”. Còn lý do của việc sám hối là vì “luật Thiên Chúa buộc tất cả mọi Kitô hữu phải làm việc sám hối” (đ. 1249). Chính vì liên hệ đến Thiên Chúa nên thời gian dành cho việc thờ phượng Thiên Chúa đã trở thành thời gian thánh, để rồi thời gian thánh gợi nhắc chúng ta sống tinh thần phụng tự.

Gợi nhắc đầu tiên phát xuất từ đòi hỏi của tương quan quyền lợi - nghĩa vụ: các tín hữu có quyền vào nhà thờ để thi hành việc thờ phượng Thiên Chúa, nhất là việc thờ phượng công, thì các thừa tác viên có chức thánh càng phải ý thức nghĩa vụ cử hành lễ, để cử hành cách đều đặn và sốt sắng. Giáo luật nêu rõ trách nhiệm của các cha sở: “Sau khi nhậm chức ở giáo xứ, cha sở có nghĩa vụ phải dâng ý lễ cầu cho đoàn dân được trao phó cho ngài vào mỗi ngày Chúa nhật và lễ buộc trong Giáo phận; nếu mắc ngăn trở chính đáng không dâng ý lễ như vậy được, ngài phải nhờ một linh mục khác dâng ý lễ thay trong chính các ngày đó, hoặc chính ngài phải dâng ý lễ bù lại vào các ngày khác” (đ. 534, §1).

Gợi nhắc kế tiếp là chúng ta hãy trân trọng và đón nhận thời gian thánh, vì đó là những lúc Chúa viếng thăm ta cách đặc biệt. Quả thật, phải trân trọng đón nhận và tận dụng thời gian thánh, bởi vì có thể sẽ đến ngày chúng ta “mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy” (Lc 17, 22). Và gợi nhắc nữa là của thánh Phaolô, khi ngài bảo chúng ta: “Bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin” (Gl 6, 10).

Quả vậy, thời gian thánh là cơ hội giúp chúng ta sống tinh thần phụng tự. Nhưng Chúa Giêsu mới là mẫu gương cho ta về việc sống tinh thần phụng tự nhờ nơi thánh và thời gian thánh.

3. Chúa Giêsu, mẫu gương sống tinh thần phụng tự với nơi thánh và thời gian thánh

Tin Mừng viết: “Ban ngày, Đức Giêsu giảng dạy trong đền thờ; nhưng đến tối, Người đi ra và qua đêm tại núi gọi là núi Ôliu. Sáng sớm, toàn dân đến với Người trong đền thờ để nghe Người giảng dạy” (Lc 21, 37-38).

Xem ra có sự đối chọi giữa đền thờ Giêrusalem và núi Ôliu, không chỉ về không gian, mà còn về ý nghĩa hiện hữu của mỗi nơi. Về không gian, Đền thờ Giêrusalem và Núi Ôliu cách nhau khoảng 1.000 mét. Nhưng sự kiện “ban ngày, Đức Giêsu giảng dạy trong Đền thờ; đến tối, Người đi ra và qua đêm tại núi gọi là núi Ôliu” đã khiến cho Đền thờ Giêrusalem và núi Ôliu, lại có vẻ đối chọi nhau về ý nghĩa hiện hữu của mỗi nơi: dường như Đền thờ chỉ là nơi Chúa vào để giảng dạy dân chúng, cũng là nơi dân chúng đến để nghe Chúa giảng; còn núi Ôliu mới là nơi Chúa gặp Chúa Cha.

Dù thế nào chăng nữa, sự việc liên quan đến Chúa Giêsu trên đây đã trở thành một gợi ý cho chúng ta sống tinh thần phụng tự. Quả thế, quan trọng nhất vẫn là Chúa, nên chúng ta phải lo gặp Chúa, và phải dành giờ cho Chúa. Ta gặp Chúa nhờ nơi thánh. Và khi dành giờ cho Chúa là ta biến thời gian thành chuyển động thánh. Chúng ta có bổn phận lo cho dân được nên thánh, thì càng phải ý thức nghĩa vụ lo cho mình được cứu rỗi. Nhưng chúng ta thực hiện bổn phận và nghĩa vụ này ở đâu, lúc nào? Hiện tại nhà thờ giáo xứ do chúng ta chịu trách nhiệm vẫn là nơi thông thường chúng ta lo cho dân. Nhà thờ này, cứ lý mà nói, cũng phải là nơi chúng ta lo cho mình. Như thế, vấn đề cần giải quyết chỉ là vấn đề thời gian, không phải theo nghĩa là rồi ra sẽ giải quyết được, mà là theo nghĩa phải giải quyết ngay, nhờ biết xếp giờ: có giờ lo cho dân, có giờ lo cho mình; có giờ để đem Chúa đến cho dân, giúp dân gặp Chúa, thì cũng phải có giờ để mình gặp Chúa, kín múc sức sống nơi Chúa. Nói đúng ra, thì ở đâu cũng được, miễn là nơi đó có Chúa, nơi đó dễ gặp Chúa...

Như thế, quan trọng không phải là nơi chốn, mà là Chúa; chỗ nào có Chúa, chỗ đó là quan trọng; chỗ nào giúp gặp Chúa, chỗ đó chúng ta tìm đến. Rõ rệt, quan trọng không phải là đền thờ, như Tin Mừng xác định: “Nhân có mấy người nói về Đền thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: ‘Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào’ ” (Lc 21, 5-6). Quan trọng là Đấng ngự trong đền thờ: “Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền thờ nữa” (Mt 12, 6). Như vậy, nhìn nhà thờ, chúng ta phải nhớ đến Chúa Giêsu, Đấng là đền thờ đích thật: “Đền thờ Đức Giê-su muốn nói (...) là chính thân thể Người” (Ga 2, 21). Nhớ đến Chúa Giêsu, chúng ta được thúc đẩy dành giờ cho Chúa để tiếp xúc với Chúa, bởi vì không phải vô lý mà Chúa Giêsu làm gương cho ta: “Ban ngày, Đức Giêsu giảng dạy trong đền thờ; nhưng đến tối, Người đi ra và qua đêm tại núi gọi là núi Ôliu” (Lc 21, 37).

Anh em linh mục thân mến,

Năm Đức Tin đã được khai mạc cho Giáo Hội phổ quát cũng như tại các Giáo Hội địa phương để các tín hữu đào sâu, củng cố, thực hành và truyền bá đức tin. Đức tin chính là linh hồn của tinh thần phụng tự, mà tinh thần phụng tự thì thường được nuôi dưỡng và thể hiện trong NƠI THÁNH và nhờ THỜI GIAN THÁNH. Vì vậy, để kết thúc những chia sẻ về việc sống tinh thần phụng tự nhờ nơi thánh và thời gian thánh, xin anh em cầu nguyện cho nhau luôn có được tâm tình tích cực đối với NƠI THÁNH như tâm nguyện của Thánh vịnh gia: “Lạy Chúa, con mến yêu ngôi nhà Chúa ngự, mến yêu nơi rạng ngời vinh quang Chúa” (Tv 26, 8), và cầu cho nhau biết thao thức có THỜI GIAN THÁNH, cũng theo tâm ý của Thánh vịnh gia, để đến với Chúa: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?” (Tv 42, 3).

Thân mến chào anh em.

Đaminh Nguyễn Chu Trinh

Giám mục giáo phận Xuân Lộc

Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :