Unknown

Chức thánh Phó tế

“Vị tư tế nào cũng phải đứng trong Đền Thờ lo việc phụng tự mỗi ngày và dâng đi dâng lại cũng ngần ấy thứ lễ tế; mà những lễ tế ấy chẳng bao giờ xóa bỏ được tội lỗi. Còn Đức Kitô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân lọai, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời. Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần,
mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hóa được nên hoàn hảo.” (Dt 10, 11-14)

Đức Giêsu Kitô, vị Thượng tế duy nhất

Khi Chúa Giêsu rong ruổi các nẻo đường xứ Palestine rao giảng Tin Mừng, những người gặp Ngài đã không nghĩ đến việc gán cho Ngài chức danh Tư tế. Bởi lẽ Chúa Giêsu không thuộc tầng lớp Tư tế và cũng không làm nhiệm vụ Tư tế.

Vậy mà Chúa Giêsu đã hoàn thành công việc tế tự một cách hoàn hảo. Qua cái chết và sự sống lại, Chúa Giêsu đã bãi bỏ cách thờ cùng cũ và dẫn đưa chúng ta về cùng Chúa Cha. Nơi Đức Kitô, loài người và Thiên Chúa gặp nhau. Cái chết của Ngài là lễ hiến tế đích thực làm cho Ngài trở nên vị Thượng tế duy nhất của Giao Ước mới. (Dt đoạn 8 và 9)

Một dân tư tế

Được thanh tẩy trong Đức Kitô, người tín hữu trở thành chi thể của thân mình Ngài và Ngài cho họ tham dự vào chức Tư tế của Ngài. Như vậy, mỗi Kitô Hữu được đầu tư cho sứ vụ ngôn sứ, vương đế, và hy tế của Ngài qua việc tham dự hy lễ Thánh Thể và thi hành chức vụ Tư tế bằng chính đời sống của mình.

Công đồng Vaticano II xác quyết: “Thực vậy, những người đã lãnh phép Rửa, nhờ sự tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, đựơc thánh hiến để nhận chức Tư tế thánh.” (Hiến chế Giáo Hội số 10)

Như vậy Bí tích Truyền Chức Thánh là gì?

Cần xác định nghĩa của vài từ ngữ:

Ngày nay chúng ta hay dùng kiểu nói “Chức thánh”. Chức thánh là để phục vụ. Trong chiều hướng này mà Thánh Phêrô và Thánh Phaolô dạy rằng: mỗi Kitô hữu tùy theo ân sủng nhận được phải có trách nhiệm xây dựng Giáo Hội.

Trong Giáo Hội, một vài tác vụ thánh được thiết lập mà không cần nghi thức xức dầu tấn phong như: công bố lời Chúa, trao Mình Thánh Chúa, dạy giáo lý, mục vụ chăm sóc bệnh nhân.

Những tác vụ khác được thánh hóa bằng việc xức dầu tấn phong.

Phó tế

“Ở bậc thấp hơn của hàng giáo phẩm có các phó tế, những người đã được đặt tay “không phải để được lãnh nhận chức vụ linh mục, nhưng là để phục vụ.” Thực vậy, được ân sủng bí tích bồi bổ, các phó tế trong sự hiệp thông với Giám mục và linh mục đoàn, phục vụ dân Thiên Chúa bằng việc phụng vụ, giảng dạy và bác ái.” (Hiến chế Giáo Hội số 29)

Công đồng Vaticano II còn nêu lên các công việc được giao cho phó tế: cử hành trọng thể phép Rửa, cất giữ và trao Mình Thánh Chúa, nhân danh Giáo Hội chứng kiến và chúc lành hôn phối, mang của ăn đàng cho kẻ hấp hối, đọc Thánh kinh cho tín hữu, giáo huấn và khuyên nhủ dân chúng, chủ tọa việc phụng tự và kinh nguyện của tín hữu, cử hành các á bí tích, chủ tọa lễ nghi tang chế và an táng.

“Trong tương lai, chức phó tế có thể được tái lập như một bậc riêng và vĩnh viễn thuộc phẩm trật. Các nhóm Giám mục địa phương, dưới những hình thức khác nhau, với sự chấp thuận của chính Đức Giáo Hoàng, có đủ thẩm quyền để xem xét có nên bổ nhiệm các phó tế ấy và bổ nhiệm ở đâu, để họ coi sóc các linh hồn.

Với sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng, các ngài có thể phong chức phó tế cho những người đàn ông đứng tuổi, dù đã kết hôn, cũng như cho các thanh niên có khả năng, nhưng các thanh niên này phải giữ vững luật độc thân.” (Hiến chế Giáo Hội số 29)

Xưa nay người Công giáo Việt Nam thường gọi người có chức Phó tế là „Thầy Sáu hay Cụ Sáu!“. Vì thời trước Công Đồng Vatican 2. (1965) ai chịu chức Linh mục phải lần lượt nhận bảy chức: 1. Giật chuông mở đóng cửa nhà thờ, 2. Đọc sách, 3. Trừ qủy, 4. Giúp lễ, 5. Trợ Phó tế, 6. Phó tế và 7. Linh mục.

Theo thứ tự đó nên quen gọi người có chức Phó tế là „ Thầy sáu hay Cụ sáu!“

1. Chức Phó tế thời Giáo Hội sơ khai

Thuở lúc ban đầu trong Giáo Hội sau khi Chúa Giêsu về trời cũng đã có những Thầy Phó tế. Kinh Thánh kể đến tên bảy vị: Stephanus, Philippus, Prochorus, Nikanor, Timon, Parmenas, Nikolaus ( Sách Tông vụ Tông đồ 6,5) đã được tuyển chọn để phụ giúp các Tông đồ chăm lo việc bác ái xã hội trong cộng đoàn các tín hữu.

Thánh Phaolô nói đến đời sống phẩm hạnh của vị Phó tế như sau:

„Các vị Phó tế cũng vậy, phải là người đàng hoàng, biết giữ lời hứa, không rượu chè say sưa, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; (9) họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch. (10) Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức Phó tế, nếu không bị ai khiếu nại. (11) Các bà cũng vậy, phải là người đàng hoàng, không nói xấu, nhưng tiết độ, đáng tin cậy mọi bề. (12) Các vị Phó tế phải là người chỉ có một đời vợ, biết điều khiển con cái và gia đình cho tốt. (13) những ai thi hành chức vụ Phó tế cách tốt đẹp, thì được một chỗ danh dự, và được mạnh dạn nhiều nhờ lòng tin vào Ðức Kitô Giêsu.“ (Thư gửi 1. Timotheo 3, 8-13).

Phó tế theo nguyên ngữ tiếng Hylạp là Diakonos trong ý nghĩa người phụ giúp, người phục vụ. Các Phó tế là những người có chức vị trong Giáo Hội. Nhiệm vụ của họ không chỉ giới hạn vào việc bác ái xã hội ( diakonia), nhưng còn cả trong lãnh vực làm chứng rao giảng Lời Chúa ( martyria) và lễ nghi Phụng vụ (leiturgia) nữa.

Thuở Giáo Hội sơ khai các vị Phó tế là những người phụ giúp các Tông đồ trong nhiệm vụ quản trị tài sản của Giáo Hội, của Cộng đoàn, đứng đầu việc bác ái phân phát lương thực thức ăn. Nhưng dẫu vậy các vị Phó tế cũng là những người thuộc hàng ngũ giáo sỹ theo phẩm trật của Gíáo Hội và có liên quan mật thiết với phần vụ dâng Thánh lễ tế tạ ơn (eucharistica).

2. Phó tế trong phẩm trật Giáo Hội

Vị Phó tế là giáo sỹ trong Giáo Hội. Những ai theo con đường độc thân làm linh mục cũng phải được truyền chức thánh Phó tế trước khi tiếp tục nhận chức thánh Linh mục.

Những người đã có gia đình được truyền chức thánh Phó tế, và chỉ dừng lại ở đó. Họ là những vị Phó tế vĩnh viễn suốt đời.

Chỉ Đức Giám Mục giáo phận là người có quyền tuyển chọn trao ban chức thánh Phó tế qua nghi thức đặt tay trên đỉnh đầu và cầu nguyện theo nghi lễ truyền chức thánh trong Giáo Hội từ thời các Thánh Tông đồ truyền lại.

Tất cả các vị Phó tế theo phẩm trật trong Giáo Hội tùng phục quyền của Đức Giám Mục giáo phận, và làm việc phụ giúp các Linh mục trong lãnh vực đạo giáo thiêng liêng ở các giáo xứ nơi họ được gửi sai tới.

Một thời gian dài hàng nhiều thế kỷ trong Giáo Hội không có các vị Phó tế vĩnh viễn nữa. Và ngày ngay vì nhu cầu về mục vụ cũng như xã hội càng tăng, nên Công đồng Vatican thứ hai (1962-1965) đã tái thiết lập lại chức Phó tế vĩnh viễn trong Giáo Hội lo phụ trách nhiệm vụ này bên cạnh các Linh mục ở các xứ đạo.

Các Phó tế khi cử hành lễ nghi Phụng vụ nơi bàn thờ với Linh mục, ngày xưa có áo lễ -Dalmatik- riêng cho Phó tế. Nhưng ngày nay thường họ chỉ mặc áo trắng Alba và đeo dây Stola – dây các Phép không thẳng từ trên hai vai xuống đàng trước ngực, mà chéo ngang từ bờ vai bên trái đàng trước ngực và đàng sau lưng sang bờ phía bên phải.

3. Nhiệm vụ thầy Phó tế

Nhiệm vụ của thầy Phó tế trong Giáo Hội quy hướng vào ba trọng điểm:

Diakonia – Bác ái phục vụ giúp đỡ con người, nhất là những người gặp hoàn cảnh bất hạnh xấu số, bệnh tật nghèo khổ, những người gìa yếu tàn tật, những người bơ vơ cô đơn, tù tội, tỵ nạn, sinh hoạt hội đoàn đạo đức và thanh thiếu niên.

Martyria – làm chứng rao giảng Lời Chúa - Thầy Phó tế trên bàn thờ phụ giúp Linh mục dâng Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa. Thầy có nhiệm vụ công bố đọc phúc âm Lời Chúa và được rao gỉang diễn giải Lời Chúa, hướng dẫn suy niệm Lời Chúa

Leiturgia - lễ nghi Phụng vụ- Thầy Phó tế phụ giúp trên bàn thờ trong các Thánh lễ, nhưng Thầy không được cử hành dâng thánh lễ như các Linh mục. Thầy Phó tế được chứng hôn Bí tích hôn phối, được cử hành Bí tích Rửa tội, được ban chúc lành, cử hành lễ nghi an táng người qua đời. Nhưng Thầy không được cử hành Thánh lễ, Bí tích Giải tội và Bí tích xức dầu bệnh nhân. Ba Bí tích này chỉ người có chức thánh Linh mục mới được cử hành thôi.

Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :