www.langminhnews.net

LỜI CHỦ CHĂN THÁNG 07

SỨ MỆNH HÒA GIẢI

Kính thưa quý Cha thân mến,

Trong dư âm tình yêu của ngày họp mặt huynh đệ mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, tôi muốn chia sẻ với quý Cha đôi suy tư về một nhu cầu mục vụ hết sức quan trọng

và khẩn cấp trong hoàn cảnh thế giới hôm nay. Đó là Sứ Mệnh Hoà Giải.
Thế giới và sứ điệp Trời Mới, Đất Mới

Trong những ngày tháng vừa qua, tin tức từ khắp nơi cho chúng ta thấy hình ảnh một thế giới ly loạn, bất an với những cuộc chiến tranh, xung đột, chia rẽ, hiềm khích đang diễn ra tại nhiều quốc gia, chẳng hạn, Iraq, Israel – Palestine, Nigeria, Ukraine, vùng Biển Đông, trong đó có Việt Nam chúng ta. Hoàn cảnh này là một tiếng van nài Giáo Hội trong sứ mệnh loan báo Trời Mới, Đất Mới, khi“Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết ; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa... Đấng ngự trên ngai phán : Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,4-5). Đó là viễn tượng của sự hòa giải đại đồng, vì “sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò... Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta” (Is 11,6-9).

Sứ điệp trên đây cần được loan báo, không phải chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng những chứng tá cụ thể. Do đó, sứ mệnh loan báo Trời Mới, Đất Mới mà Chúa đã hứa và được phó thác cho các tín hữu, như mỗi cá nhân và như cộng đoàn. Các cộng đoàn giáo xứ, giáo họ, cộng đoàn dòng tu, các gia đình, các đoàn thể, các giới có sứ mệnh phải trở thành hình ảnh của Trời Mới, Đất Mới mà Chúa đã hứa và đang thực hiện.

Nhìn vào thực tế thì nhiều giáo xứ, nhiều hội đoàn, nhiều gia đình và nhiều môi trường khác của các tín hữu Chúa không phản ảnh Trời Mới, Đất Mới. Tại nhiều nơi, người ta gây gỗ, nghi kỵ, hiềm khích, tranh chấp, chia rẽ, kiện tụng lẫn nhau.

Khi một giáo xứ, giáo họ, hội đoàn hay gia đình có những cảnh dèm pha, phê bình, chỉ trích, kiên tụng thì đó là một hình ảnh phản sứ điệp Trời Mới, Đất Mới của Chúa và không xứng đáng được gọi là cộng đoàn môn đệ của Chúa. Chính Chúa đã căn dặn các môn đệ : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy : là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35). Vì vậy, nếu có điều gì phiền hà nhau thì hãy tha thứ cho nhau. Người có lý cũng như người không có lý, phải cùng nhau bước trên con đường hoà giải. Có lên Toà Giám Mục trình bày vấn đề với Đức Cha thì cũng là để xin trợ giúp và tìm đường hoà giải chứ không phải kiện tụng thắng thua.

Kính thưa quí Cha, sứ mệnh của anh em linh mục chúng ta, trong hoàn cảnh này, là khích lệ và làm thăng tiến tình yêu thương trong giáo xứ, gìn giữ sự hiệp nhất và dẫn đưa những người hiềm khích và tranh chấp tìm đường hoà giải. Xin quí Cha hãy là điểm tựa và là chất xúc tác cho sự hiệp nhất yêu thương của cộng đoàn giáo xứ, giữa các giới, các đoàn thể, các gia đình và các cá nhân tín hữu trong giáo xứ. Xin quí Cha hãy là tông đồ của sự hoà giải và là tấm gương của lòng tha thứ.

Những đòi hỏi thiêng liêng của sứ mệnh Tông đồ của sự hoà giải

Trong rất nhiều cộng đoàn, bước đầu tiên của sứ mệnh trở nên chứng tá của Trời Mới, Đất Mới là việc dấn thân trên con đường hoà giải. Nhu cầu hoà giải thực là một thách đố cho các linh mục trong thế giới hôm nay. Các giáo xứ, giáo họ cần được nhìn thấy quí Cha như Tông đồ, Thầy dậy biết dẫn đưa Dân Chúa trên đường hoà giải. Dưới đây là một số đòi hỏi thiêng liêng của sứ mệnh hoà giải.

a) Nhiệm vụ hoà giải đòi phải có tinh thần khách quan, không thiên vị. Vì vậy, trước khi đưa ra một phán đoán, cần phải tìm hiểu kỹ càng để biết sự thật. Đây là một công việc hết sức khó khăn vì nhiều khi hoàn cảnh rất phức tạp.

b) Phán đoán công bằng là cần thiết, nhưng tự nó không đủ sức hoà giải hai bên đang chống đối nhau. Chỉ có tình yêu mới có sức mạnh hoà giải và nối kết. Ông quan toà anh minh có thể đưa ra một bản án công bằng, nhưng ông không có khả năng hoà giải hai bên. Bà mẹ, với tình yêu mẫu tử, có khả năng hoà giải các con cái của mình. Vì vậy, nhiệm vụ hoà giải đòi phải có tình thương yêu đối với cả hai bên đang chống đối nhau.

c) Để hoà giải người khác, cần phải sống như người đã được hoà giải trong chính lòng mình để có tâm hồn tự do, thanh thoát. Nhờ vậy mới có khả năng nhìn sự việc phức tạp cách khách quan và có khả năng thương yêu bên có lý cũng như bên không có lý, kẻ tốt cũng như kẻ xấu. Đó là sức mạnh của tình yêu hoà giải.

d) Sự hoà giải còn đòi hỏi phải có sức mạnh và sự khôn ngoan của Thánh Giá : “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần. Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta : Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một ; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét ; Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất ; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an : bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.” (Ep 2,14-18).
Ba nấc của hành trình hoà giải

Trong sứ mệnh hoà giải các mối bất hoà, Tông đồ của sự hoà giải không chỉ loan báo, rao giảng mà còn phải hướng dẫn, chỉ đường cho Dân Chúa đi. Ngài vừa là ngôn sứ, vừa là thầy, vừa là bạn đồng hành. Dưới đây là ba nấc đi của hành trình hoà giải mà vị Tông đồ của sự hoà giải cần chỉ bảo để các tín hữu hiểu biết và dẫn dắt để họ noi theo.

a) Ý chí quyết định tha thứ, thương yêu


Hoà giải, trước tiên, là một quyết định của ý chí phát nguồn từ một con tim đại lượng, biết tha thứ và thương yêu. Đây là một hành động hết sức khó khăn nên cần tìm thêm lý do để xác tín và quyết định yêu thương, tha thứ và hoà giải. Có ba lý do chính yếu đòi buộc người môn đệ của Chúa phải tha thứ và hoà giải, cho dù mình có lý hay không có lý :

- Đây là đặc tính của môn đệ Chúa. Nếu không thương yêu, tha thứ và hoà giải thì không xứng đáng được gọi là môn đệ của Chúa : “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy : là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35) ; “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,43-48).

- Ai cũng cần được người khác tha thứ vì không ai hoàn hảo và không hề làm mất lòng ai. Do đó, để đáng được người khác tha thứ, chình mình phải biết tha thứ cho người làm mất lòng mình.

- Thương yêu và tha thứ cho anh chị em mình là điều kiện để được Chúa tha thứ. Trong Tin Mừng Thánh Matthêô, Chúa kể dụ ngôn tên đầy tớ bất lương (x. Mt 18,23-35). Y nợ ông chủ 10.000 nén bạc và được ông chủ tha bổng vì y kêu xin. Khi y gặp người bạn còn nợ y chỉ 100 quan tiền, y không tha thứ. Nghe vậy, ông chủ cho gọi y lại và tống vào ngục cho đến khi trả xong nợ.

b) Hoà giải các tình cảm để xoa dịu và chữa lành các vết thương trong nội tâm

Tuy ý chí đã quyết định, tình cảm không luôn vâng theo ; trái lại thường đi ngược lại hướng đi của ý chí, có khác chi một người quyết định đi thăm bạn, nhưng bước ra khỏi cửa thì gặp cơn bão, gió thổi bật ngược lại ; lắm khi sức gió quá mạnh, người đó đành trở vào nhà. Vì vậy, để thực hiện quyết định của ý chí, cần phải hoá giải tình cảm trong lòng. Việc hoá giải tình cảm để xoa dịu và chữa lành các vết thương trong lòng là một hành trình lâu dài đòi nhiều cố gắng và kiên nhẫn. Nhưng có chi trên đời mà không cần phải trả bằng một giá. Điều chi càng quý báu thì giá càng cao. Đàng khác, như môn đệ của Chúa Giêsu, người tín hữu cũng biết là không đơn độc trong hành trình. Chính Chúa Giêsu đã đến để chữa lành : “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học nơi tôi, vì tôi hiền hậu và khiêm nhường thật trong lòng và tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì thực ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

Nhưng Chúa không chỉ truyền bảo hay mời gọi. Ngài giúp, Ngài ban cho được sống đầy tràn. Ai rộng mở tâm hồn đón nhận là tìm được sức sống mới. Sách Tin Mừng thuật lại rất nhiều cuộc gặp gỡ với Chúa đem lại sự sống, vui mừng và hạnh phúc. Cuộc gặp gỡ của Dakêu với Chúa là một tỉ dụ (Lc 19,2-10). Ông Dakêu được giải thoát khỏi những cản trở đè ép tâm hồn, có sức nhìn nhận các lỗi lầm và đền bù gấp bốn những gì đã làm thiệt hại người khác và hơn thế nữa, còn mở lòng lấy nửa gia tài để giúp đỡ những người xấu số. Mạch nước đã vọt lên ; cuộc sống đầy tràn và tâm hồn cũng vui tươi hạnh phúc hơn.

c) Hàn gắn mối liên hệ với người khác

Khi đã hoá giải các tình cảm trong lòng thì tâm hồn an bình và thương yêu để gặp gỡ người anh chị em và hàn gắn mối liên hệ đã bị rạn nứt. Tuy nhiên, không phải hễ hoá giải được lòng mình là có thể hàn gắn mối dây liên hệ với người anh chị em, vì điều này cũng còn tùy thuộc vào người anh chị em nữa. Có thể tôi đã hoá giải xong các tình cảm của tôi, nhưng người anh chị em chưa bắt đầu hành trình hay chưa hoá giải xong các tình cảm của họ. Trong trường hợp này, cần kiên nhẫn chờ đợi và cầu nguyện để trợ lực cho người anh chị em trong hành trình hoá giải tình cảm của người ấy. Dù thế nào, trong lòng sẽ không còn tình cảm thù hằn và không còn nhu cầu kiện cáo người anh chị em, mà chỉ còn từ tâm, sẵn sàng tha thứ và cầu nguyện cho người anh chị em để họ sớm hoá giải được tình cảm trong lòng của họ và cảm nghiệm được niềm vui của tâm hồn thanh thoát, đầy khả năng yêu thương.

Xin Thánh Tâm Chúa là nguồn mạch yêu thương và thứ tha ban cho chính chúng ta có được khả năng yêu thương và tha thứ để hướng dẫn đoàn Dân Chúa bước đi trên đường hoà giải, nhờ đó các giáo xứ, giáo họ, đoàn thể, các giới và các gia đình trong giáo phận chúng ta sẽ trở thành lời loan báo đầy hy vọng của Trời Mới, Đất Mới.

Thân ái chào quý Cha.

+ Đaminh Nguyễn Chu Trinh

Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :