WGPSG -- Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đưa ra hai chương trình mục vụ "Phúc âm hoá Gia đình" và "Tân Phúc âm hoá Giáo xứ & Cộng đoàn thánh hiến" để thực hiện cho Giáo hội Việt Nam trong năm nay và năm sau. Nhân dịp này, Đức Hồng y Gioan B. Phạm Minh Mẫn
cũng gửi đi những suy tư của ngài về PHÚC ÂM HOÁ BỔN PHẬN LÀM NGƯỜI với những phần chính:
cũng gửi đi những suy tư của ngài về PHÚC ÂM HOÁ BỔN PHẬN LÀM NGƯỜI với những phần chính:
Lời mở: Lòng mến Chúa yêu người giúp Phúc Âm hoá đời người
I. Phúc Âm hoá bổn phận tu thân
II. Phúc Âm hoá bổn phận tề gia
III. Phúc Âm hoá bổn phận trị quốc
Lời kết. Bình thiên hạ
Đức Hồng y đã diễn giải những tư tưởng chính yếu đó như sau:
PHÚC ÂM HOÁ BỔN PHẬN LÀM NGƯỜI
Lời mở. Lòng mến Chúa yêu người giúp Phúc Âm hoá đời người
Tôi cảm nhận rằng cùng với ơn đức tin, lòng mến Chúa yêu người là hồng ân trọng đại nhất, là giới luật chi phối mọi giới luật, bao trùm trọn vẹn cuộc sống và đời người.
Mến Chúa là hiếu thảo, mở rộng con tim đón nhận Lời Chúa dạy, đón nhận ánh sáng chân lý, tình yêu, bình an của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Đó là Phúc Âm hoá đời sống mình.
Yêu người là chia sẻ ánh sáng Lời Chúa, ánh sáng Tin Mừng, chia sẻ cho nhau và cho mọi người. Đó là góp phần Phúc Âm hoá đời sống nhân loại trong Giáo hội cùng xã hội.
Đưa những giá trị Tin Mừng vào đời sống nhân loại là mở rộng con đường Phúc Âm hoá bổn phận làm người, gồm bổn phận tu thân, tề gia, trị quốc. Đồng thời cũng là mở ra con đường đối thoại thay vì đối đầu trong đời thường. Đối thoại với lòng mến Chúa yêu người là góp phần thánh hoá cùng đổi mới đời sống Giáo hội và xã hội.
I. Phúc Âm hoá bổn phận tu thân
1. Xây dựng cuộc đời trên nền móng giáo dục toàn diện (gồm 4 chữ H):
1.1. Hướng người trẻ ngày càng mở rộng kiến thức nhân văn và khoa học, nâng cao khả năng phán đoán và sáng tạo (H1 = Head);
1.2. Phát triển sức khoẻ thể xác và tâm thần lành mạnh (H2 = Health);
1.3. Đắc thủ các kỹ năng thuộc các phương diện văn hoá, xã hội, lịch sử, kinh tế, chính trị (H3 = Hands);
1.4. Rèn luyện nhân cách có con tim mở rộng (H4 = Heart), theo lời khuyên “Hãy Dành Thời Giờ”
Hãy dành thời giờ
Hãy dành thời giờ để suy tư,
Đó là nguồn sức mạnh tinh thần.
Hãy dành thời gian cho giải trí,
Đó là bí quyết sống mãi trẻ trung.
Hãy dành thời giờ để đọc sách,
Đó là nền tảng của sự khôn ngoan.
Hãy dành thời gian cho cầu nguyện,
Vì sức mạnh vĩ đại nhất trên đời là ở đó.
Hãy dành thời giờ để yêu và được yêu thương,
Đó là hồng ân Chúa ban cho mỗi người.
Hãy dành thời gian sống thân thiện với mọi người,
Đó là đường dẫn đến phúc thật.
Hãy dành thời giờ để cười vui,
Đó là suối nhạc của tâm hồn.
Hãy dành thời gian cho cống hiến,
Đời ta thật ngắn ngủi, sống ích kỷ làm chi.
(Thơ: Vô Danh)
2. Phúc Âm hoá đời sống theo con đường Giêsu
Tu thân luyện đức còn là đưa ánh sáng Lời Chúa, ánh sáng Tin Mừng, ánh sáng Chân Lý, ánh sáng Tình Yêu, ánh sáng Bình An vào trong đời sống thường ngày, để bước theo Chúa Giêsu trên con đường tình yêu của Ngài. Tình Yêu Hoà Nhập (Năm Sự Vui). Tình Yêu Dấn Thân Phục Vụ (Năm Sự Sáng). Tình Yêu Hiến Thân (Năm Sự Thương). Tình Yêu Đổi Mới (Năm Sự Mừng). Xem 20 Mầu Nhiệm Mân Côi là lời cầu xin ơn Phúc Âm hoá đời sống.
NĂM SỰ VUI (Tình Yêu Hoà Nhập)
Thứ 1. Chiêm ngắm Con Thiên Chúa làm người trong lòng Đức Trinh Nữ Maria (Lc 1,26-38). Xin bước theo Con Thiên Chúa khiêm tốn hoà nhập vào đời sống trần thế của nhân loại.
Thứ 2. Chiêm ngắm Chúa Giêsu cùng Mẹ Maria thăm viếng gia đình bà Isave (Lc 1,39-56). Xin bước theo Chúa Giêsu chia sẻ niềm vui cứu độ cho nhà nhà.
Thứ 3. Chiêm ngắm Chúa Giêsu giáng sinh trong hang đá (Lc 2,1-20). Xin bước theo Chúa Giêsu mang lại bình an cho người người.
Thứ 4. Chiêm ngắm Chúa Giêsu hiến dâng trong đền thánh (Lc 2,22-32). Xin bước theo Chúa Giêsu trở nên ánh sáng cho muôn dân.
Thứ 5. Chiêm ngắm Chúa Giêsu lưu lại trong đền thánh (Lc 41-52). Xin bước theo Chúa Giêsu tìm học ý Cha trên trời.
NĂM SỰ SÁNG (Tình Yêu Dấn Thân Phục Vụ)
Thứ 1. Chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu phép rửa (Mt 3,13-17) Xin bước theo Chúa Giêsu quyết tâm thi hành ý Cha yêu thương cứu độ nhân thế.
Thứ 2. Chiêm ngắm Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana (Ga 2,1-11). Xin bước theo Chúa Giêsu chia sẻ vui buồn, lo âu và hy vọng với nhà nhà.
Thứ 3. Chiêm ngắm Chúa Giêsu rảo bước loan Tin Mừng và chữa lành bệnh tật khắp nơi (Mc 1,14-15.21-34). Xin bước theo Chúa Giêsu Phúc Âm hoá đời sống và phục vụ cho sự sống con người.
Thứ 4. Chiêm ngắm Chúa Giêsu hiển dung (Mt 17,1-18). Xin bước theo Chúa Giêsu đón nhận và toả sáng lòng từ ái bao dung của Cha trên trời.
Thứ 5. Chiêm ngắm Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể (Mc 14,17-25). Xin bước theo Chúa Giêsu hiến thân vì sự sống và sự hợp nhất của gia đình nhân loại.
NĂM SỰ THƯƠNG (Tình Yêu Hiến Thân)
Thứ 1. Chiêm ngắm Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn cây dầu (Lc 22,39-44). Xin bước theo Chúa Giêsu quyết tâm bỏ ý riêng và thi hành ý Cha trên trời.
Thứ 2. Chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu đánh đòn (Mc 14,43-47). Xin bước theo Chúa Giêsu chấp nhận khổ đau để giải thoát nhân trần.
Thứ 3. Chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu đội mão gai (Mt 15,16-20). Xin bước theo Chúa Giêsu chấp nhận tủi nhục để phục hồi phẩm giá con người.
Thứ 4. Chiêm ngắm Chúa Giêsu vác thập giá (Mc 15,21-22).
Xin bước theo Chúa Giêsu yêu thương và hy sinh đến cùng.
Thứ 5. Chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá (Mc 15,33-39). Xin bước theo Chúa Giêsu cởi bỏ người cũ và đi đến tình yêu toàn hiến.
NĂM SỰ MỪNG (Tình Yêu Đổi Mới)
Thứ 1. Chiêm ngắm Chúa Giêsu sống lại (Mc 16,1-16). Xin bước theo Chúa Giêsu mặc lấy con người mới.
Thứ 2. Chiêm ngắm Chúa Giêsu lên trời (Cv 1,6-11). Xin bước theo Chúa Giêsu đi vào cõi sống mới.
Thứ 3. Chiêm ngắm Chúa Thánh Thần hiện xuống (Cv 2,1-13). Xin bước theo Chúa Giêsu đón nhận và chia sẻ ơn đổi mới và hợp nhất gia đình nhân loại.
Thứ 4. Chiêm ngắm Chúa Giêsu rước Thánh Mẫu Maria lên trời. Xin bước theo Chúa Giêsu quy tụ nhân thế trong Nước Chúa chan hoà ánh sáng bình an.
Thứ 5. Chiêm ngắm Chúa Giêsu thưởng Thánh Mẫu trên trời. Xin bước theo Chúa Giêsu mở rộng Nước Chúa cho người người hưởng phúc trường sinh.
II. Phúc Âm hoá bổn phận tề gia
1. Xây dựng gia đình an lành
1.1. Cùng nhau xây dựng gia đình mình thành cái nôi của sự sống;
1.2. Thành mái ấm tình thương;
1.3. Thành ngôi trường đầu tiên giáo dục nên người tốt và hữu ích;
1.4. Thành thành trì bảo vệ phẩm giá con người
2. Xây dựng gia đình thành tế bào lành mạnh của xã hội
2.1. Củng cố nội lực đời sống gia đình giúp vượt qua những tệ nạn xã hội gây khủng hoảng;
2.2. Học tập gương Thánh Gia Thất, coi trọng chương trình của Thiên Chúa hơn là hoạch định của mình, coi trọng thánh ý Thiên Chúa hơn là suy tính của riêng mình, để vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong mọi hoàn cảnh, ở mọi nơi mọi thời;
2.3. Kinh cầu cho gia đình
Gia đình hãy cố gắng duy trì giờ kinh tối trong. Hãy cố gắng cùng nhau chung lời cầu cho gia đình.
Lời cầu cho gia đình
Lạy Thiên Chúa là cha giàu lòng từ bi nhân hậu,
là cội nguồn mọi gia đình nhân loại nơi trần gian.
Xin cha ban ơn Phúc Âm hoá mọi gia đình chúng con,
giúp đưa ánh sáng Tin Mừng Đấng Cứu Độ,
là ánh sáng chân lý, yêu thương và bình an,
vào mọi sinh hoạt gia đình chúng con.
Cho gia đình trở nên cái nôi của sự sống dồi dào,
mái ấm tình thương bao dung và hợp nhất,
ngôi trường giáo dục nên người tốt và hữu ích
thành trì che chở phẩm giá làm người.
Cho mọi tư tưởng và việc làm của vợ chồng,
mang lại an hoà hạnh phúc cho gia đình,
cho các bạn trẻ tìm gặp nơi ông bà, cha mẹ,
nguồn hỗ trợ cho sự phát triển phẩm giá làm người.
Xin Thánh Gia Thất hộ phù gia đình chúng con,
vững vàng tin yêu trong mọi gian lao thử thách,
và loan báo Chúa Giêsu là nguồn sống mới,
là suối yêu thương, và bến an bình. Amen.
III. Phúc Âm hoá bổn phận trị quốc
1. Đưa ánh sáng Lời Chúa vào bổn phận trị quốc, góp phần phát triển toàn diện con người và xã hội. Lời Chúa ghi trong sách thánh, Lời Chúa nói qua những biến cố lịch sử, qua truyền thống văn hoá đạo đức.
2. Lời Chúa bày tỏ qua ý Chúa muốn ta yêu người không chỉ bằng công tác xã hội từ thiện, chăm lo cho trẻ tàn tật, bất hạnh, neo đơn, bị bỏ rơi. Yêu người còn là yêu tha nhân, yêu đồng bào, yêu dân tộc, yêu đất nước, mở đường và đồng hành với mọi người đi đến sự sống dồi dào, xứng hợp với phẩm giá con người.
3. Yêu người đòi hỏi phải có lòng tự trọng và trung thực. Đối với giới sản xuất, không sản xuất hàng dỏm, hàng giả, chất lượng sản phẩm hôm nay phải tốt hơn hôm qua. Đối với giới tiêu thụ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Mọi người, mọi giới liên kết chung sức xây đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương góp phần phát triển và thăng tiến đời sống xã hội, dân tộc, đất nước hôm nay.
4. Lòng mến Chúa yêu người đòi hỏi nêu cao phẩm giá con người, đặt con người làm mục đích, làm trọng tâm cho mọi hoạt động văn hoá, kinh tế, xã hội. Lòng mến Chúa yêu người còn đòi hỏi xoá bỏ hiện tượng tha hoá con người cùng cơ chế bất công xin – cho, cải thiện đời sống thăng tiến phẩm giá người lao động vượt qua tình trạng con người là mục đích của sự phát triển lại bị biến thành phương tiện sản xuất.
5. Lòng mến Chúa yêu người còn đòi hỏi phát huy tình liên đới cùng tính phụ đới trong cộng đồng dân tộc, với lòng tôn trọng quyền con người, cấp cao không can thiệp vào nội bộ cấp thấp, song phối hợp cùng xây dựng một xã hội dân chủ, một nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Lời kết. Bình thiên hạ
Phúc Âm hoá bổn phận làm người nhờ lòng mến Chúa yêu người đó là mở ra con đường đổi mới về mọi phương diện, trong mọi lãnh vực đạo đời, nhân văn và xã hội, kinh tế và chính trị, giúp cho việc tu thân, tề gia, trị quốc, mang tính:
* Thiên thời (thuận ý trời theo ý Chúa)
* Địa lợi (hợp với truyền thống văn hoá, giới luật dị nhân sinh)
* Nhân hoà (hoà với lòng người, lòng nhân, lòng đạo)
Nhờ mang tính thiên thời - địa lợi - nhân hoà, việc tu thân - tề gia - trị quốc sẽ vận động mọi người trong gia đình, trong tổ chức xã hội, hướng đến bình thiên hạ: chung sức xây đắp bình an cho cộng đồng Giáo hội cùng xã hội.
http://www.tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20141106/28308