www.langminhnews.net

SUY NIỆM LỜI CHÚA HẰNG NGÀY TUẦN IX TN

05/06/17 THỨ HAI TUẦN 9 TN
Th. Bô-ni-phát, giám mục, tử đạo
Mc 12,1-12

SỐNG ĐÚNG THÂN PHẬN
“Ông sẽ tiêu diệt tá điền rồi giao vườn nho cho người khác.” (Mc 12,9) Suy niệm: Những yếu kém trong việc quản lý tài sản nhà nước (sử dụng sai mục đích, chiếm dụng, lãng phí, thất thoát ngân sách, đầu tư không hiệu quả,...) đang là một bất công nhức nhối cho xã hội. Qua dụ ngôn hôm nay, Chúa Giê-su “nhắm” đến những người ở vị trí lãnh đạo; họ như những tá điền bất lương: Họ quên rằng mình chỉ là người thay quyền Chúa quản lý thế giới này và những tài nguyên của nó. Khi họ phủ nhận chủ quyền của Thiên Chúa thì đồng thời họ cũng sẵn sàng chà đạp lên mọi chuẩn mực đạo đức và đang tâm xúc phạm đến anh em đồng loại. Chúa Giê-su cảnh báo những con người như thế sẽ bị Ngài phế bỏ.

Mời Bạn: Đức Giáo hoàng Bê-nê-đi-tô trong cuốn ‘Đức Giêsu Na-da-rét’ cảnh báo rằng sự phát triển ‘chỉ dựa thuần túy trên nguyên tắc kỹ thuật vật chất không những loại bỏ Thiên Chúa nhưng còn đẩy con người lìa xa Thiên Chúa do sự kiêu ngạo về sự hiểu biết của mình.’ Khi sùng thượng vật chất và tôn mình lên làm chủ hoàn toàn sự sống, con người lấy chính mình làm chuẩn mực đạo đức. Đây chính là nguồn gốc của bao nhiêu sai lầm và hỗn loạn trong đời sống cá nhân gia đình và xã hội.

Chia sẻ về một trường hợp cụ thể: Tình trạng ngừa thai nhân tạo, phá thai lan tràn trong xã hội xúc phạm thế nào đến chủ quyền của Thiên Chúa trên sự sống?

Sống Lời Chúa: Tôi tâm niệm rằng: Con người chỉ là quản lý chứ không phải là chủ quyền tuyệt đối trên sự sống.

Cầu nguyện: Lạy Cha là Đấng Tạo Thành, xin cho chúng con luôn biết sống đạo làm con theo gương Chúa Giê-su và biết lấy Lời Ngài làm ánh sáng soi đường trên trần gian.


06/06/17 THỨ BA TUẦN 9 TN
Th. Nô-be-tô, giám mục
Mc 12,13-17

“CỦA AI ĐÂY?”
“Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Xê-da.” Đức Giê-su bảo họ: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mc 12,16-17)

Suy niệm: Những người Pha-ri-sêu gài bẫy Chúa Giê-su: có được phép nộp thuế cho Xê-da, vị vua của Rô-ma đang đô hộ Do thái không? Nếu Chúa Giê-su trả lời: ‘có’, thì ghép Chúa vào tội bắt tay với quân đô hộ. Nếu Chúa trả lời: ‘không’, thì ghép Chúa vào tội chống lại hoàng đế Xê-da. Đàng nào Chúa cũng bị kết án. Câu trả lời của Chúa đã làm họ ngạc nhiên, Chúa vừa tháo gỡ được bẫy của họ, vừa chất vấn lại chính họ: “Hình và danh hiệu này là của ai? …Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. “Của ai đây?” cũng là câu hỏi chất vấn chúng ta trả lời. Cái gì của Thiên Chúa, cái gì của “Xê-da”, để chúng ta không cướp quyền Thiên Chúa và cũng không cướp đoạt những gì không phải là của chúng ta.

Mời Bạn: Mỗi giây phút chúng ta còn sống, thì chúng ta vẫn tiếp tục trả lời câu hỏi căn bản đó. Thật ra, tất cả mọi sự là thuộc về Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa ban cho chúng ta tự do để cộng tác với Người trong công trình tạo dựng. Và Người cũng trao quyền cho những “Xê-da” trần thế. Vì vậy, “trả lại cho Xê-da”, cũng được hiểu là, hãy tôn trọng quyền bính trong cơ cấu xã hội trần thế. Quyền bính là do Thiên Chúa thiết lập (x. Rm 13,1).

Sống Lời Chúa: Với của cải, tài năng, trí tuệ, hôm nay, tôi tự hỏi: Của ai đây, để tôi sử dụng cho chính đáng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa của chúng con, đôi khi thật không dễ dàng để phân được làn ranh, đâu là thuộc về Chúa, đâu là thuộc về Xê-da. Xin Chúa giúp chúng con tỉnh táo, để chúng con chọn Chúa và luôn thuộc về Chúa. Amen.


07/06/17 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Mc 12,18-27

CÕI PHÚC THẬT
“Khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.” (Mc 18,25)

Suy niệm: Khi nói đến chuyện đời sau, người ta thường quan niệm “dương sao, âm vậy”: đời này có nhà cửa xe cộ, có ăn uống, dựng vợ gả chồng thì đời sau cũng y như vậy. Nếu đã như thế thì hẳn chẳng cần đến đời sau nữa; nhất nữa là nếu ở đời sau lại xảy ra những cảnh “tréo ngoe” như câu chuyện một chị lần lượt cưới cả bảy anh em, sang đời sau chẳng biết là vợ của người nào. Đó là chiến thuật mà những người phái Xa-đốc dùng để phủ nhận sự sống lại và cuộc sống đời sau: đặt ra những vấn nạn không có trên thực tế và coi cuộc sống đời sau dưới lăng kính của cuộc sống đời này. Sự sống đời đời là một thực tại có thật, là hạnh phúc vô biên so với cuộc đời tạm này. Chúa Giê-su mô tả đó là cuộc sống “như các thiên thần trên trời;” thánh Phao-lô thì nói “gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt” (1Cr 15,42-43).

Mời Bạn đến với Chúa Ki-tô phục sinh và chiêm ngắm những dấu đinh nơi thân xác vinh quang của Ngài để xác tín niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời sau, cùng cảm nghiệm được niềm hạnh phúc khi được sống kết hợp với Ngài. Có Chúa Ki-tô phục sinh, hạnh phúc thiên đàng đã bắt đầu thành hiện thực cho bạn ngay ở trần gian này.

Sống Lời Chúa: Siêng năng kết hiệp với Chúa Giê-su Thánh Thể để cảm nghiệm được hạnh phúc thiên đàng ngay từ bây giờ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là niềm hạnh phúc đích thực của con. Xin cho con biết mang trái tim yêu thương của Chúa để con cũng đem hạnh phúc đến cho anh chị em con. Amen.


08/06/17 THỨ NĂM TUẦN 9 TN
Mc 12,28b-34

CUỐI CÙNG CHỈ CÒN TÌNH YÊU
“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,33)

Suy niệm: Hàng trăm điều khoản trong bộ luật đồ sộ của Mô-sê cuối cùng tóm lại duy nhất một điều luật tình yêu. Sở dĩ Thiên Chúa muốn con người yêu Ngài “hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực…” vì Ngài là nguồn mạch tình yêu, và từ suối nguồn này Ngài cung cấp cho con người năng lượng vô tận để yêu thương nhau bằng tình yêu của Thiên Chúa. Mọi thứ đặc sủng đều “nhất thời,” “có ngần, có hạn,” chỉ có “đức mến là không bao giờ mất được.” “Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại,” nhưng cuối cùng rồi cũng chỉ còn tình yêu (x. 1Cr 13). Mọi thứ lễ dâng, lễ toàn thiêu cũng chỉ là một thứ “hối lộ,” một thứ giả hình, nếu không có tình yêu, không thực tâm đối xử tốt với ‘người thân cận,’ người mà qua họ, ta trắc nghiệm được tình yêu của mình đối với Thiên Chúa.

Mời Bạn: Chắc bạn cũng có kinh nghiệm này là khi ta thiếu nhiệt tình trong cầu nguyện, thoáng nghi ngờ tình yêu Chúa khi Ngài chậm đáp ứng những nhu cầu của bạn… thì chúng ta cũng sẽ có những phản ứng phản cảm đối với anh chị em, nhất là những người đang cần đến bạn. Thế mới hay tình yêu có phản ứng dây chuyền; và một khi có tương quan thân thiết với Chúa, chúng ta dễ yêu người hơn là khi chúng ta không để Ngài hiện diện trong cuộc sống thường ngày của mình.

Chia sẻ: Thánh Âu-tinh nói: “Hãy yêu rồi muốn làm gì thì làm”, phải chăng Ngài chủ trương một thứ tự do phóng túng?

Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ vô vị lợi với tất cả tấm lòng yêu mến.

Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.


09/06/17 THỨ SÁU TUẦN 9 TN
Th. Ép-rem, phó tế, tiến sĩ HT
Mc 12,35-37

MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA
“Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì do đâu Đấng Ki-tô lại là con vua ấy được?” (Mc 12,37)

Suy niệm: Triết gia Gabriel Marcel đã nói: Con người là một huyền nhiệm; mỗi người đều có chiều sâu kín ẩn mà không ai có thể đạt thấu. Chúng ta vẫn hằng ngày ở gần bên nhau, nhìn thấy nhau nhưng chưa hẳn chúng ta có thể nói mình đã thấu hiểu về nhau. Người Do Thái ngày xưa chỉ nhìn thấy Chúa là một con người, con bác thợ ở Na-da-rét. Một người con cháu hoàng tộc lại được tổ phụ Đa-vít gọi là Đấng Ki-tô, là Chúa Thượng, đó quả là một mê cung cho những trí óc suy tư theo cái nhìn tự nhiên của nhân loại. Vua Đa-vít được Chúa Thánh Thần soi sáng mới có thể cảm nhận được mầu nhiệm Thiên Chúa, để nhận ra Đấng Ki-tô mà Dân Chúa mong đợi chính là Con Thiên Chúa sinh ra làm người trong dòng tộc mình.

Mời Bạn: Phần chúng ta, nhờ đức tin, chúng ta đã biết Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật. Nhưng Thiên Chúa còn mời gọi chúng ta khám phá và tin nhận Chúa nhiều hơn, để qua mọi biến cố trong dòng đời biến chuyển ta thấy được Chúa đang điều khiển mọi sự. Nhờ việc kính trọng thông cảm và lắng nghe nơi những con người bé nhỏ thấp hèn, ta gặp được Chúa.

Sống Lời Chúa: Trong bổn phận âm thầm nhỏ bé hằng ngày như việc nhà, học hành, cầu nguyện, nghỉ ngơi, ta khám phá Chúa luôn đồng hành với ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, bởi vì có thể những ngày còn lại quá ít ỏi nên cho con không chỉ gặp và mến yêu Chúa mỗi ngày nhưng biết khám phá và yêu mến Chúa mỗi giây phút hiện tại hết tâm hồn và hết sức lực theo ý Chúa muốn. Amen.

(Chiara Lubich,
người sáng lập Phong trào Focolare)


10/06/17 THỨ BẢY TUẦN 9 TN
Mc 12,38-44

VỚI TẤT CẢ TẤM LÒNG THÀNH
Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em, bà goá này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.” (Mc 12,43)

Suy niệm: Mô hình sản xuất hiện đại càng ngày càng cần ít nguyên liệu vật chất, càng tốn ít nhân công nhưng lại đòi hỏi “hàm lượng trí tuệ” cao, nghĩa là phải vận dụng công nghệ cao cấp với nhưng yêu cầu mỹ thuật tinh xảo… Có như thế mới đáp ứng được nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng. Tương tự, một hành vi đạo đức “chất lượng cao” trước mắt Thiên Chúa cũng đòi hỏi một “hàm lượng tâm hồn” cao cấp như vậy. Lời nhận định của Chúa Giê-su khi quan sát những người dâng cúng tiền cho đền thờ cho ta thấy cách đánh giá đó của Chúa. Bà goá nghèo chỉ dâng hai đồng tiền kẽm, nhưng thật ngạc nhiên, Chúa công bố bà đã dâng cúng nhiều nhất, bởi vì bà đã dâng tất cả những gì bà có và dâng với tất cả tấm lòng thành.

Mời Bạn: đọc lại đoạn Tin Mừng này, hình dung cử chỉ bà goá bỏ tiền vào thùng để rồi thinh lặng nhìn lại thái độ sống của mình để thấy rõ hơn đâu là những việc mình đã làm nặng về hình thức bề ngoài mà thiếu vắng tấm lòng yêu mến chân thành. Cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành thô thiển nghèo nàn khi thiếu một tấm lòng thành. Trái lại nếu bạn thấm đầy cuộc sống mình bằng tình yêu mến, bạn sẽ làm cho cuộc sống của bạn và của người khác trở nên đậm đà ý vị và thực sự có giá trị trước mặt Chúa.

Sống Lời Chúa: Dành ít phút thinh lặng trong ngày để nghiền ngẫm lại ý tưởng và tâm tình mà Lời Chúa vừa khơi gợi lên trong lòng bạn.

Cầu nguyện: Xin Chúa ban cho con tâm hồn chân thật để con luôn biết sống thật với Chúa, với chính mình và với tha nhân.

5 Phút Lời Chúa

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :